Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Bản tin 18/3/2013


1. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Dự thảo Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở:
Ngày 13/3/2013, NHNN ban hành Dự thảo Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ. Nếu được thông qua, Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2013.
- Mục đích cho vay hỗ trợ: các đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc mua nhà ở thương mại (không có nội dung người thu nhập thấp được vay để mua nhà ở xã hội); các doanh nghiệp đang là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, hoặc các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.
- Nguồn vốn: 5 Ngân hàng Thương mại Nhà nước (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB) phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay. NHNN cũng dành 30.000 tỷ đồng hỗ trợ 5 ngân hàng này để cho vay các đối tượng nêu trên, thông qua hình thức tái cấp vốn. Số tiền này sẽ được chia làm hai phần, trong đó 65% là dành để cho người thu nhập thấp vay mua nhà, 35% còn lại cho các chủ đầu tư vay để triển khai dự án.
- Lãi suất cho vay: lãi suất ổn định 6%/năm đến thời điểm 15/4/2016 (3 năm).
- Thời hạn cho vay tối thiểu: 10 năm với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà và 5 năm đối với doanh nghiệp (nếu đáp ứng đủ các điều kiện kèm theo)

2. Thông qua Pháp lệnh sửa đổi bổ sung Pháp lệnh Ngoại hối:
Sáng 18/3/2013, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự thảo pháp lệnh đã được sửa đổi theo hướng giao NHNN hướng dẫn các hoạt động chuyển vốn hợp pháp (bao gồm cả tiền đặt cọc và ký quỹ…). Dự thảo cũng không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài như một số ý kiến đề nghị, nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này.

3. Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được UBTVQH cho ý kiến có nhiều quy định lợi cho doanh nghiệp như:
- Giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.
- Mở rộng diện được ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô; hoạt động nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, làm muối, sản xuất giống cây trồng và giống vật nuôi; ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng,...
- Không tán thành ưu đãi cho Khu công nghiệp

4. Chính thức ban hành Thông tư thành lập quỹ ETF:
 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 229/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý Quỹ hoán đổi danh mục ETF * (Exchange-traded fund), có hiệu lực từ ngày 1/9/2013.
Chi tiết: Thông tư 229 

* Quỹ ETF là một loại hình quỹ mở, hình thành từ việc tiếp nhận, hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ. Chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán.




"Tam quốc chiến" ba đại gia tỷ đô Việt Nam


Vinamilk và Kinh Đô đối đầu trực tiếp với nhau ở phân khúc kem và sữa chua. Còn lại hầu như mỗi người thống trị một phân khúc riêng trong thị trường hàng tiêu dùng.

Tính đến hết năm 2012, tài sản và vốn chủ sở hữu của Vinamilk và Masan Consumer đều trên 10.000 tỷ đồng và có trong tay vài nghìn tỷ đồng tiền mặt.

Cả 3 đại gia thực phẩm này đều đã có những vụ mua bán sáp nhập lớn để mở rộng ảnh hưởng của mình. Nổi bật nhất là Masan Consumer với việc thâu tóm Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo và Cám Con Cò. Kinh Đô từ rất lâu đã có các vụ thâu tóm kem Wall, nước giải khát Tribeco, Vinabico...
Vinamillk gần đây có thương vụ đầu tư mua cổ phần của một công ty sữa New Zealand và trước đó là mua lại toàn bộ công ty Thực phẩm F&N Việt Nam



Năm 2012, doanh thu của Vinamilk gấp rưỡi doanh thu của Masan Consumer và gấp 6 lần Kinh Đô. So với năm 2011, Kinh Đô hầu như không có sự tăng trưởng trong khi Masan tăng trưởng hơn 40% do hợp nhất toàn bộ doanh thu của Vinacafe Biên Hòa. Masan Consumer đã nắm 40% cổ phần của nhà sản xuất Cám Con Cò, nếu mua thêm cổ phần để đủ tỷ lệ chi phối (trên 50%), doanh thu của công ty sẽ tăng gấp đôi và vượt mốc 1 tỷ USD. Từ năm 2011, doanh thu của Vinamilk đã vượt mốc 1 tỷ USD.


Trong ngành hàng tiêu dùng, việc xây dựng được hệ thống phân phối - bản lẻ rộng khắp là một trong những yếu tố then chốt. Là những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành, hệ thống bán lẻ của Vinamilk và Masan Consumer cũng rất đáng nể. Tính đến cuối năm 2011, Vinamilk có 178 nghìn điểm bán lẻ còn Masan Consumer là 163,6 nghìn - theo như số liệu công ty từ chính các công ty.


Do đặc thù của ngành, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng thường phải chi rất lớn cho công tác bán hàng, đặc biệt là chi phí quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ nhà phân phối. Chỉ phí bán hàng chỉ chiếm 9% doanh thu năm 2012 của Vinamilk trong khi tỷ lệ này ở Kinh Đô lên đến 23%. Trong năm 2012, Vinamilk chi hơn 1.200 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyễn mãi. Chi phí bán hàng của Kinh Đô xấp xỉ với doanh thu của một doanh nghiệp bánh kẹo lớn là Bibica.


Trong đợt rót vốn vào Masan Consumer, KKR đã trả mức giá tương ứng với định giá công ty ở mức 2,5 tỷ USD. Còn đối với Vinamilk, vốn hóa thị trường đến giữa tháng 3 là hơn 4,1 tỷ USD - một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Kinh Đô bé hơn khá nhiều khi mới chỉ đạt hơn 360 triệu USD



KKR - một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư ltư nhân lớn nhất của Hoa Kỳ - đã bỏ ra 360 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần của Masan Consumer. Đối với Vinamilk, nhà đầu tư ngoại đã nắm giữ tối đa 49% cổ phần từ khá lâu trong khi tỷ nắm giữ tại Kinh Đô cũng lên đến hơn 47%.Cổ đông chiến lược của Vinamilk có tập đoàn đồ uống F&N của Singapore còn cổ đông chiến lược của Kinh Đô là hãng bánh kẹo Ezaki Glico đến từ Nhật Bản.

Quy mô doanh thu khác nhau nhưng cả 3 doanh nghiệp có số lượng nhân viên chênh nhau không nhiều.


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Bản tin ngày 17/3/2013

STT
Tiêu đề
Nội dung
1
Công khai Bản tin số 1 về Nợ công VN giai đoạn 2010 - 2011
Bộ Tài chính vừa công khai Bản tin số 1 về nợ công của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2011. Theo bản tin, tổng số dư nợ công nước ta trong 2 năm 2010 và 2011 tương đương 56,3% GDP và 54,9% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia tương đương với 42,2% GDP năm 2010 và 41,5% GDP năm 2011. Dư nợ chính phủ so với GDP là 44,6% GDP năm 2010 và 43,2% GDP năm 2011. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách năm 2010 là 17,6% và năm 2011 là 15,6%.
2
Công ty Chứng khoán đua nhau tuyển nhân sự
Thống kê năm 2011 và 2012 cho thấy: trừ các công ty lớn nằm trong Top 10 môi giới tăng nhân sự, còn lại hầu hết các công ty nhỏ đều cắt giảm 30-40% nhân sự. Tuy nhiên sang đến năm 2013, tình hình nhân sự tại các CTCK dường như đang ấm dần trở lại cùng với đà tăng về thanh khoản cũng như điểm số của VN-Index. Đã có hàng chục CTCK đăng tuyển dụng nhân sự. Các vị trí được tuyển dụng nhiều nhất là nhân viên môi giới, chuyên viên tư vấn doanh nghiệp, chuyên viên phân tích và các trưởng phòng, phó giám đốc phụ trách…
3
Chưa có chế tài xử lý việc giống tên doanh nghiệp
Thời gian gần đây, nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến việc giống tên doanh nghiệp liên tiếp xảy ra. Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số hơn 70.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, thì có tới 722 đơn vị bị giống tên... Điều đáng nói là, dù đã có phán quyết của tòa án, nhưng nếu doanh nghiệp cố ý chây ỳ, không đăng ký đổi tên, thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không làm gì được, vì không có chế tài.
4
Chiêu trò khuyến mãi, giảm giá của các siêu thị điện máy
Quá ế ẩm, các siêu thị điện máy đua nhau rầm rộ tung ra các đợt khuyến mãi, giảm giá khủng. Tuy nhiên,  quảng cáo khuyến mãi mập mờ rồi đẩy giá sản phẩm lên cao để lấy cớ giảm giá mạnh là những chiêu trò mà các siêu thị, cửa hàng điện máy này thường dùng. Do đó, làm mất lòng tin nơi khách hàng, nên ế vẫn hoàn ế.
5
Phản ứng của VASEP trước vụ việc cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam
Ngày 15/3/2013, VASEP đã có Thông cáo báo chí xung quanh việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá (CBPG) lên sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam. DOC đã đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam từ Bangladesh thành Indonesia, dẫn đến mức thuế CBPG trong quyết định cuối cùng tăng cao một cách vô lý. Đáng lưu ý, trong các đợt xem xét hành chính trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam.Trong 8 năm liên tiếp, DOC luôn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của cá tra Việt Nam. Thậm chí, cơ quan này vẫn tiếp tục áp dụng chính sách hợp lý đó trong đợt xem xét các nhà xuất khẩu mới được công bố cách đây vài tuần.


Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

So sánh cầm cố tài sản và thế chấp tài sản

- Cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
- Thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên kia (bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.

1. Giống nhau:
- Đều là các quan hệ đối nhân, dùng TS để bảo đảm trong giao dịch dân sự
- Về hình thức: phải lập thành VB (có thể là VB độc lập hoặc là một điều khoản trong hợp đồng chính)
- Về thời hạn: do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn cầm cố/ thế chấp TS thì thời hạn cầm cố/thế chấp TS được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố/thế chấp.
- Về TS cầm cố/thế chấp:
ü  Đều có thể là động sản
ü  Phải được phép giao dịch và bảo đảm giá trị thanh toán cao
ü  Do bên nhận cầm cố/ thế chấp giữ hoặc bên thứ 3. Bên cầm cố hoặc bên thế chấp có trách nhiệm báo cáo với bên nhận cầm cố hoặc bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ 3 đối với TS của người giao dịch (nếu có)
ü  Có thể cầm cố/thế chấp nhiều TS để bảo đảm thực hiện 1 nghĩa vụ
ü  Bên cầm cố/thế chấp có quyền được bán và thay thế TS trong một số TH nhất định

2. Khác nhau:

Tiêu chí
Cầm cố
Thế chấp
Bản chất
Bắt buộc có sự chuyển giao TS (chuyển giao dưới dạng vật chất)
Không có sự chuyển giao TS mà chỉ giao các giấy tờ chứng minh tình trạng pháp lý của TS thế chấp (chuyển giao dưới dạng giấy tờ)
Loại TS cầm cố
1. Động sản
2. Các giấy tờ có giá (trái phiếu, cổ phiếu,…)
1. Động sản
2. Bất động sản
3. TS được hình thành trong TL
4. TS đang cho thuê cũng như hoa lợi, lợi tức thu được từ việc cho thuê TS (nếu PL có quy định và các bên thỏa thuận)
5. TS thế chấp được bảo hiểm thì khoản tiền bảo hiểm cũng có thể được thế chấp
Thời điểm có hiệu lực
Khi bên cầm cố chuyển giao TS cho bên nhận cầm cố
Khi bên thế chấp chuyển giao các giấy tờ chứng minh tình trạng pháp lý của TS cho bên nhận thế chấp.
Quyền lợi và nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm
- Được hưởng lợi tức, hoa lợi từ TS cầm cố
- Phải bảo quản TS cho bên cầm cố
- Do được nắm giữ trực tiếp TS nên rủi ro thấp hơn
- Không được hưởng lợi tức, hoa lợi từ TS thế chấp.
- Không phải lo bảo quản TS cho bên thế chấp.
- Dù có quyền kiểm tra TS nhưng do không nắm giữ trực tiếp TS nên thế chấp chịu rủi ro cao hơn trong TH giấy tờ giả, TS bị thay dổi trong thời gian thế chấp,..
Chuyển giao TS cầm cố/thế chấp
Thực hiện một cách thiện chí
Ít chủ động, có thể xảy ra tranh chấp

Giới thiệu




Nhật Ký Kinh Tế 247 (NKKT 247) là một trang blog được lập ra với mục đích phi lợi nhuận, giúp các bạn không mất nhiều thời gian lần dở tất cả các trang báo mà vẫn có thể nắm bắt đầy đủ và ngắn gọn các thông tin kinh tế hàng ngày.

Bên cạnh đó, NKKT 247 còn có các chuyên đề tổng hợp, phân tích các vấn đề “nóng” đang diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam cũng như cập nhật các kiến thức kinh tế cho độc giả.

Không chỉ tương tác một phía, NKKT 247 hy vọng nhận được những góp ý và bài viết để NKKT 247 ngày càng tiến đến gần và giúp ích được nhiều hơn cho các bạn.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về hòm mail: nhatkykinhte247@gmail.com